Nhượng quyền thương hiệu hay được gọi là Franchise, là hình thức kinh doanh mà một cá nhân hoặc một tổ chức nào đó được sử dụng thương hiệu / tên của sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định để kinh doanh. Trong một khoảng thời gian nhất định với một ràng buộc tài chính hoặc có thể là một khoản chi phí, đôi khi là phân chia theo phần trăm doanh thu, lợi nhuận cửa hàng.
Nhượng quyền thương hiệu là một mô hình tương đối linh hoạt, và bất kỳ loại hình kinh doanh nào cũng có thể được nhượng quyền. Có nhiều loại nhượng quyền, có thể được phân loại theo các yếu tố khác nhau, như mức đầu tư, chiến lược của bên nhượng quyền, hoạt động, mô hình tiếp thị và quan hệ, v.v … Ở đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn 4 loại hình nhượng quyền chính là: Nhượng quyền kinh doanh toàn diện, không toàn diện, nhượng quyền có tham gia của quản lý và nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn. Vậy 4 loại nhượng quyên này cụ thể như thế nào và xem bạn phù hợp với hình thức nhượng quyền nào sau đây!!!!!
Có 4 loại nhượng quyền thương hiệu là:
Nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện (Full business format franchise)
Đúng như tên gọi, đây là mô hình nhượng quyền có cấu trúc hoàn chỉnh và chặt chẽ nhất khi thể hiện mức độ hợp tác và cam kết giữa hai bên nhượng và nhận.
Không chỉ được sử dụng nhãn hiệu nhượng quyền thương hiệu, quan trọng hơn, bên nhận có quyền sử hữu toàn bộ hệ thống để vận hành kinh doanh, bí quyết trong công nghệ sản xuất/kinh doanh và quyền quản lý sản phẩm/dịch vụ (sản xuất, tiếp thị,…). Bên nhượng quyền sẽ cung cấp một kế hoạch với đầy đủ thủ tục chi tiết về hầu hết mọi khía cạnh trong doanh nghiệp, cung cấp hệ thống đào tạo, hỗ trợ trong giai đoạn đầu cũng như về lâu dài sau này.
Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện (Non-business format franchise)
Với mô hình này, bên nhượng quyền sẽ chỉ chuyển nhượng một số yếu tố trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thường là cung cấp quyền sử dụng hình ảnh thương hiệu, hoặc có thể là chia sẻ công thức hay mô hình tiếp thị sản phẩm/dịch vụ.
Với nhượng quyền sử dụng thương hiệu, các thương hiệu thường có giá trị tương đối cao và có lượng fans nhất định, muốn sử dụng tên tuổi cho việc sản xuất các mặt hàng không chung ngạch.
Nhượng quyền phân phối sản phẩm/dịch vụ là hình thức bên nhận quyền chỉ phụ trách khâu phân phối sản phẩm/dịch vụ ra thị trường.
Nhượng quyền công thức sản xuất và marketing sản phẩm xảy ra khi bên nhượng quyền cung cấp quyền kinh doanh và hỗ trợ các hoạt động tổ chức, vận hành, tiếp thị cho bên mua nhượng quyền. Coca Cola là một thương hiệu điển hình đang áp dụng.
Nhìn chung, mô hình nhượng quyền kinh doanh không toàn diện này thường được các doanh nghiệp áp dụng khi bên nhượng quyền mong muốn mở rộng hệ thống phân phối nhằm gia tăng độ phủ thị trường, tăng doanh thu để cạnh tranh với đối thủ. Vì không chuyển nhượng những yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp, nên đa phần những doanh nghiệp này không quản lý quá chặt chẽ các hoạt động của bên nhận quyền và chỉ quan tâm đến thu nhập của việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ.
Nhượng quyền có tham gia quản lý (Management franchise)
Mô hình nhượng quyền quản lý liên quan đến chất lượng và kinh nghiệm của các quản lý/ lãnh đạo hơn là kinh nghiệm trong ngành. Về cơ bản, nhượng quyền quản lý xảy ra khi bên nhượng quyền cung cấp người quản lý và điều hành doanh nghiệp cho bên nhận quyền, bên cạnh việc chuyển nhượng thương hiệu và mô hình/ công thức kinh doanh. Người quản lý không cần phải tham gia vào hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp mà sẽ chỉ có nhiệm vụ giám sát toàn diện. Vai trò của bạn là sử dụng kinh nghiệm và chuyên môn có được trong sự nghiệp của mình để lãnh đạo công ty và quản lý các bộ phận một cách hiệu quả, tập trung vào phát triển kinh doanh và đưa ra những quyết định mạnh mẽ về tài chính.
Hình thức này đặc biệt phù hợp với các thương hiệu dịch vụ, yêu cầu cao về chất lượng liên quan đến nguồn nhân lực, cụ thể là ngành nhà hàng khách sạn.
Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn (Equity franchise)
Equity Franchise có nghĩa là bên nhượng quyền tham gia vốn đầu tư với tỉ lệ nhỏ dưới dạng liên doanh để trực tiếp tham gia kiểm soát hệ thống. Bên nhượng quyền có thể tham gia vào Hội đồng quản trị của công ty mặc dù số vốn tham gia đóng góp chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ